Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột (tên giao dịch quốc tế: Buon Ma Thuot Airport; code ICAO: VVBM; code IATA: BMV) nằm ở 12o 40’ 07” Vĩ Bắc; 108o 06’ 41” Kinh Đông. Cảng Hàng không thuộc địa phận xã Hoà Thắng, tỉnh Đắc lắc, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 7km về phía Đông Nam (tại km7 quốc lộ 27).
Cảng Hàng không nằm ở độ cao 529,9m so với mực nước biển, nằm trong khu vực tương đối bằng phẳng và cao hơn các khu vực xung quanh với độ dốc tự nhiên từ 2% đến 5%, là một trong những đầu mối giao thông quan trọng liên vùng, gắn Tây nguyên với miền Đông Nam bộ, miền Trung, duyên hải miền Nam Trung bộ
Khoảng cách từ Cảng hàng không Buôn Ma Thuột tới Cảng hàng không Nội Bài: 970 km; Đà nẵng: 367 km; Tân Sơn Nhất: 254 km.
Thông tin chung về Cảng hàng không Buôn Ma Thuột – Đak Lak
- Tên tiếng Anh: Buon Ma Thuot Airport (BMA)
- Địa chỉ: Xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak;
- Điện thoại: 05003.862248; 05003.862075;
- Fax: 05003.862086;
- AFTN: VVBMYDYX
- SITA: BMVKPXH
- Mã cảng hàng không (code): BMV
- Nhà ga hành khách (Passenger) : 7.175m2
- Đường hạ cất cánh (Runway): 01 đường cất hạ cánh kích thước: 3.000m x45m.
- Đường lăn : 01 đường lăn vuông góc với đường HCC kích thước : 209m*18m
- Sân đỗ tàu bay (Apron) diện tích: 32.588,8 m2có 05 vị trí đậu đỗ
- Giờ phục vụ: 24h/24h.
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đóng một vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông tại tỉnh Đak Lak và khu vực Tây nguyên, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ bảo vệ biên giới các tỉnh Tây Nguyên của Tổ Quốc;
Vị trí:
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đak Lak cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 8 km về phía Đông Nam.
Điểm quy chiếu sân bay: Là giao điểm giữa tim đường HCC 09/27 và tim đường lăn có tọa độ (theo hệ WGS-84) là: 12º40’06”.18N – 108º06’59”.65E độ cao trung bình so với mực nước biển là: 530 mét;
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột giáp ranh với các thôn, buôn xã Hòa Thắng – TP. Buôn Ma Thuột; xã Hòa Đông huyện KrôngPac tỉnh Đak Lak:
- Phía Bắc giáp thôn 10, thôn 11 xã Hòa Thắng,
- Phía Đông giáp buôn Ea chuKap xã Hòa Thắng, buôn EaKmat xã Hòa Đông huyện KrôngPac,
- Phía Nam giáp thôn 7, thôn 8 xã Hòa Thắng;
- Phía Tây giáp thôn 1, thôn 3, Buôn Comleo xã Hòa Thắng;
Quá trình hình thành và phát triển:
Sân bay Buôn Ma Thuột do người Pháp xây dựng năm 1950. Năm 1968 Mỹ Ngụy phục hồi lại và đưa vào sử dụng năm 1970 với chức năng là căn cứ chỉ huy không quân Ngụy để thay cho Sân bay L19 tại thị xã Buôn Ma Thuột – tỉnh Đăk Lăk (với tên gọi đầu tiên là Sân bay Phụng Dực hay Hòa Bình). Cơ sở hạ tầng của sân bay Buôn Ma Thuột giai đoạn này gồm có:
- Đường hạ, cất cánh (HCC) kích thước: 1.800m x 30m bằng bê tông nhựa bán thâm nhập;
- Đường lăn: vuông góc đường HCC kích thước 209mx15m bằng bê tông nhựa bán thâm nhập;
- Sân đỗ tàu bay: Có kích thước: 128m x 120m bằng bê tông nhựa bán thâm nhập;
Hòa bình lập lại, ngày 10/3/1977 Nhà nước đã mở lại các đường bay từ: Buôn Ma Thuột đi TP.Hà Nội, TP.Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và ngược lại với chức năng là Sân bay hàng không dân dụng. Hoạt động khai thác tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thực sự nhộn nhịp bắt đầu từ năm 2000 trở lại đây cùng với chủ trương mở cửa, đổi mới của Đảng và Nhà nước. Để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, trong các năm qua Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (nay là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) đã đầu tư nhiều kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động bay tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột. Cụ thể:
Năm 2003, cải tạo và mở rộng đường HCC, đường lăn, sân đỗ tàu bay; lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu khu bay để tiếp nhận các loại máy bay tầm trung như A320, A321 và tương đương cả ngày lẫn đêm. Cơ sở hạ tầng được cải tạo gồm:
- Đường HCC: mở rộng, kéo dài đường HCC đạt kích thước: 3.000mx 45m
- Đường lăn mở rộng 2 bên đạt kích thước: 209mx18m
- Sân đỗ tàu bay mở rộng thêm đạt kích thước: 128m x179 m;
Năm 2010, khởi công dự án “Xây dựng Nhà ga hành khách mới” công suất thiết kế đạt một triệu khách/năm. Ngày 24/12/2011, Tổng công ty Cảng hàng không Miền Nam đã long trọng tổ chức khánh thành đưa nhà ga mới vào khai thác.
Thành phố Buôn Ma Thuột với vị trí địa lý mang tầm chiến lược đặc biệt, vốn được mệnh danh là Thủ phủ của Tây Nguyên nên Cảng hàng không Buôn Ma Thuột được xây dựng với chức năng dùng chung cho hàng không dân dụng và nhu cầu quân sự (theo quyết định số 977/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải).
Cơ sở hạ tầng:
Đường cất hạ cánh (CHC)
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột có 01 đường hạ, cất cánh (HCC) kích thước: 3.000m x 45m. Với các thông số như sau:
- Hướng từ: 093º – 273º
- Cấp sân bay: 4C
- Cửa ra vào: 09/27
- Độ dốc dọc đường HCC:
- Từ đầu 09 – 1.780m: + 0,55%
- Từ 1.220m – đầu 27: + 0,34 %
- Độ dốc ngang đường HCC: 1,8%
- Toạ độ ngưỡng theo WGS-84
- Đầu 09: 12º40’06”.78N – 108º06’23”.27E;
- Đầu 27: 12º40’05”.14N – 108º08’02”.65E.
- Loại mặt đường: Bê tông nhựa có sức chịu tải PCN:45/F/B/X/T
- Các cự ly công bố của dường HCC 09/27:
- Đoạn chạy lấy đà (TORA): 3.000m;
- Cự ly có thể cất cánh (TODA): 3200m;
- Cự ly có thể dừng khẩn cấp (ASDA): 3.100m;
- Cự ly có thể hạ cánh (LDA): 3.000m.
- Dải bay: 3.200m x 2 x150m,
- Đoạn bảo hiểm 02 đầu đường HCC: 200mx150m,
- Lề đường cất hạ cánh: Độ rộng 7,50m, bằng bê tông nhựa.
- Dải bảo hiểm sườn: 3.000m x 52,5m. Hai bên, bằng đất nện K0.95, phủ cỏ
- Dải hãm phanh (SWY) ở 2 đầu đường HCC bằng BTN kích thước: 100m x 45m;
Đường lăn:
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột có một đường lăn vuông góc với đường hạ cất cánh nối liền giữa đường HCC và sân đỗ tàu bay có các thông số như sau:
- Chiều dài: 209 m (tính từ tim đường HCC đến sân đỗ tàu bay);
- Chiều rộng: 18m
- Loại mặt đường: Bê tông nhựa có sức chịu tải PCN:45/F/B/W/T.
- Bảo hiểm 02 bên sườn đường lăn: Bằng đất nện K0.95, phủ cỏ.


Sân đỗ tàu bay:
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột có 01 sân đậu tàu bay nối đường lăn với nhà ga phục vụ hành khách; có các thông số như sau:
- Chiều dài: 254,6 mét
- Chiều rộng: 128 mét
- Loại mặt đường: Bê tông xi măng có sức chịu tải PCN:49/R/B/W/T
- Năng lực: Đủ chỗ cho 05 (năm) Máy bay như: A320, A321, ATR72, F70 và CRJ-900 đậu cùng một lúc;
- Trên sân đậu có 04 hố neo đã thiết kế sẵn phục vụ công tác neo tàu bay khi có bão, lốc xảy ra;


Nhà ga hành khách sân bay Đắk Lắk:
Nhà ga hành khách là nơi diễn ra các hoạt động cung ứng các dịch vụ phục vụ hành khách đi, đến và các hoạt động thương mại tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột với công xuất phục vụ theo thiết kế là 1,0 triệu hành khách/năm.
Nhà ga hành khách mới Cảng hàng không Buôn Ma Thuột được hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12 năm 2012, gồm một tầng trệt và một tầng lửng. Nhà ga được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng khai thác hàng không và phi hàng không.
Tầng trệt:
Là nơi diễn ra các hoạt động cung ứng các dịch vụ hàng không và phi hàng không tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột với tổng diện tích 6.000 m2. Tầng trệt được phân chia thành 03 khu:
Sảnh phía trước nhà ga: Là khu vực công cộng được bố trí 01 gian ngay chính giữa để phục vụ các món ăn nhẹ và giải khát. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động đưa, đón khách trên các chuyến bay. Tại sảnh này có bố trí những khu vực tiểu cảnh nhằm tôn tạo vẻ đẹp của nhà ga hành khách và để con người gần gũi với thiên nhiên hơn.
Khu vực ga đi: Sau khi khách đến sảnh trước nhà ga sẽ có bộ phận nhân viên hàng không hướng dẫn khách có vé đi máy bay vào làm thủ tục tại quầy check-in. Khu vực ga đến được bố trí 10 quầy làm thủ tục kê thành 01 hàng dọc mặt hướng ra phía sảnh trước nhà ga thuận lợi cho hành khách đến làm các thủ tục hàng không trước khi vào khu vực cách ly. Phía bên phải ga đến bố trí 03 quầy của đại diện 03 hãng hàng không đang khai thác tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột (gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air).
Tại khu vực khách đi có 01 phòng y tế, 01 khu vệ sinh dành cho hành khách khuyết tật, 01 khu vệ sinh công cộng phục vụ nhu cầu của khách. Sau khi hành khách làm xong các thủ tục hàng không sẽ tiếp tục qua khu kiểm tra an ninh và tới phòng cách ly (đi bằng cầu thang cuốn hoặc cầu thang máy lên tầng lửng);
Khu vực ga đến: Hành khách xuống máy bay sẽ có nhân viên hàng không đón và hướng dẫn khách đi vào nhà ga. Trong khu vực ga đến có 01 phòng hành lý thất lạc, 01 khu vệ sinh công cộng, 01 khu vệ sinh dành cho người khuyết tật, 01 quầy thông tin du lịch , 01 quầy bán vé máy bay. Ga đến có 02 băng chuyền trả hành lý, 01 quầy transit khi hành khách xuống máy bay vào ga đến ra cửa nhà ga và nhập vào khu vực sảnh phía trước nhà ga;
Phòng VIP: Bố trí bên cạnh khu vực kiểm tra an ninh hàng không; phía trước là hồ cá cảnh, mặt bên nhìn sau sân đậu tàu bay, trong phòng phục vụ các dịch vụ dành cho khách VIP.
Tầng lửng:
Là nơi hành khách đi máy bay đã làm xong các thủ tục hàng không được chờ tại khu vực này để ra cửa lên máy bay. Tại khu vực này có 04 cửa ra máy bay; 02 (hai) cửa ở 2 bên đầu hồi nhà ga, hai cửa tại tầng trệt ngay chính giữa tầng lửng. Tại đây có quầy phục vụ giải khát, quầy hàng lưu niệm, quầy tạp hóa và các khu vực vệ sinh công cộng thuận lợi cho hành khách khi có nhu cầu sử dụng.
Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột phục vụ các chuyến bay quốc nội với tuyến bay chính là Buôn Ma Thuột – Thành phố Hồ Chí Minh – Buôn Ma Thuột do Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) khai thác chủ yếu bằng máy bay ATR-72. Bên cạnh đó đường bay Buôn Ma Thuột – Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột cũng đang được khai thác khá hiệu quả.


Hàng ngày có các chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh đi Buôn Ma Thuột, hoặc từ Buôn Ma Thuột đi Đà Nẵng và ngược lại. Hàng tuần có 4 chuyến bay đi Hà Nội vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ bảy. Phòng bán vé 25 Nguyễn Chí Thanh – BMT. ĐT 853830 hoặc tại nhà ga Cảng hàng không : Km 10 quốc lộ 27; ĐT 852648.
Bắt đầu từ ngày 23/5/2006, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tổ chức 3 chuyến bay đêm/tuần tuyến Thành phố Hồ Chí Minh – Buôn Ma Thuột và ngược lại bằng máy bay ATR 72 vào các ngày Thứ Ba, Thứ Sáu và Chủ Nhật
Định hướng phát triển
Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột – giai đoạn đến 2015, định hướng đến 2025 của Bộ giao thông vận tải, Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đến năm 2015 sẽ là cảng hàng không cấp 4C (theo mã chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp I, đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay như A320/A321, ATR-72, F 70 và tương đương; Lượng hành khách tiếp nhận là 300.000 lượt hành khách/năm, lượng khách giờ cao điểm : 220 hành khách/giờ cao điểm.
Đến giai đoạn 2015-2025, Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột sẽ là cảng hàng không cấp 4C, xây dựng thêm đường lăn song song kích thước 3000m x 18m, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321, ATR-72, F 70 và tương đương với số máy bay tiếp nhận tại giờ cao điểm là 7; Lượng hành khách tiếp nhận là 800.000 lượt hành khách/năm, lượng khách giờ cao điểm : 420 hành khách/giờ cao điểm.