Nhà sản xuất máy bay Bombardier thuộc Bombardier INC, là tập đoàn nổi tiếng thế giới về các phương tiện vận chuyển – được ra đời hồi năm 1942 chuyên sản xuất xe chạy trên tuyết. Vào năm 1986, Bombardier INC mua lại nhà sản xuất máy bay Canadair, vốn thuộc quyền sở hữu của chính phủ Canada.
Đến năm 1989, Bombardier tiếp tục thâu tóm nhà sản xuất máy bay Short Brothers ở Bắc Ireland, rồi kiểm soát luôn hãng chế tạo máy bay Learjet của Mỹ vào năm 1990. Sau nhiều nỗ lực, Bombardier từng bước ghi tên trên thị trường hàng không thế giới với nhiều phân khúc sản phẩm khác nhau: máy bay thương mại chở khách, chuyên cơ và cả máy bay vận tải dùng trong quân đội nhiều nước.
Trong đó, các dòng máy bay như Bombardier CRJ100/CRJ200 (chở được 50 khách) hay CRJ700/CRJ900/ CRJ1000 (chở từ 70 – 100 khách) được nhiều hãng hàng không Mỹ và châu u khai thác trong các đường bay ngắn. Ngoài ra, các dòng chuyên cơ thuộc nhóm Challenger như Bombardier Challenger 300, Challenger 30X, Challenger 605, Challenger 850 nhiều năm qua trở thành chọn lựa của nhiều đại gia trên thế giới.
Trong thập kỷ qua, Bombardier đã đầu tư “khoản tiền khổng lồ” để phát triển 3 dòng máy bay mới gồm CSeries, Global 7500 và Learjet85. Gần đây, Bombardier tiếp tục khẳng định vị thế trong làng chuyên cơ bằng hai model Global 7000 và Global 8000 cho phép bay vượt đại dương, cùng trang thiết bị không chỉ hiện đại mà còn sang trọng bậc nhất khiến nhiều tỉ phú ưa thích.
CSeries là dòng máy bay mới đầu tiên trong danh mục các máy bay một lối đi với sức chứa 100-150 hành khách trong hơn 25 năm qua, đưa Bombardier trở thành đối thủ của hai gã khổng lồ là Boeing (Mỹ) và Airbus của châu Âu.
Trong khi đó, chương trình sản xuất máy bay vận tải hạng trung Learjet85 đã bị dừng lại. Đây được xem là những nguyên nhân chính khiến giới chuyên gia nhận định 90% khoản nợ của Bombardier có căn nguyên từ các chương trình sản xuất hai dòng máy bay trên.
Tuy nhiên, sau khi Boeing thành công trong việc kiến nghị chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào Bombardier nhằm ngăn chặn CSeries thâm nhập vào thị trường khổng lồ của Mỹ, công ty của Canada đã quay sang hợp tác với Airbus trong việc sản xuất CSeries nhằm tận dụng thế mạnh sản xuất và tiếp cận thị trường quốc tế của hãng sản xuất máy bay của châu Âu này.
Với chiến lược “bắt tay” với Airbus của Bombardier trong việc sản xuất CSeries nhằm cạnh tranh với Boeing đã bị đánh giá rất tốn kém. Giới chuyên gia cho rằng lẽ ra Bombardier không nên cố gắng cạnh tranh với Airbus và Boeing, cho rằng đây là “một sai lầm chiến lược nghiêm trọng”.