Hit Enter to search or Esc key to close
Blog thumbnail

Hành khách phải đặc biệt lưu ý những việc sau khi đi máy bay

Hành khách phải đặc biệt lưu ý những việc sau khi đi máy bay

Blog thumbnail

Những kinh nghiệm của các nhân sự làm việc tại cảng hàng không dưới đây sẽ giúp bạn tránh những rắc rối có thể xảy ra trước chuyến bay, giúp hành trình của bạn hoàn hảo hơn.

  1. Nên kiểm tra thông tin in trên vé

Nếu ngày mai bạn mới bay thì khoảng 1, 2 ngày trước bạn nên kiểm tra vé máy bay của mình. Bạn nhìn vào vé xem đúng ngày cần đi chưa, đặc biệt tên của bạn đã chuẩn chưa. Ví dụ, thiếu tên đệm (tên lót) là rất phiền phức tại sân bay đấy. Nếu thiếu tên đệm thì cần phải gọi tổng đài của hãng để xin thêm vào ngay.

Kể cả khi đúng tên rồi thì bạn cũng nên gọi tổng đài và hỏi xem chuyến bay của mình có chuẩn như trên vé không. Ví dụ, họ kiểm tra ra và báo là thay đổi giờ bay thì bạn biết đường mà chủ động.

Việc gọi tổng đài sớm trước ngày bay là nên làm. Vì có thể bạn mua phải vé máy bay ở đại lý lừa đảo, họ xuất vé cho bạn nhưng tên bạn không có trong hệ thống. Hoặc lúc đầu có tên nhưng sát ngày bay, họ làm lệnh hoàn tiền vé… thế là bạn coi như toi.

Vì thế, đừng tiếc một cuộc điện thoại. Nói với nhân viên tổng đài là mã vé như thế này, anh/chị xem có thay đổi gì không, nếu nhân viên tổng đài xác nhận có tên của bạn trong hệ thống, chuẩn tên, chuẩn giờ thì yên tâm.

Nhiều năm nay, hầu hết các hãng hàng không trên thế giới đều đã sử dụng vé máy bay điện tử thay cho vé in thông thường nhằm tiết kiệm chi phí và tạo sự thuận tiện cho khách hàng không cần phải đến phòng vé. Vé giấy đòi hỏi bạn phải mang theo vé ra sân bay để làm thủ tục lên máy bay vì tất cả các thông tin đều được ghi trên vé. Với vé điện tử, mọi thông tin đều chứa đựng trong ‘Mã vé điện tử’, có nghĩa là bạn chỉ cần đọc mã đặt chỗ, mọi thông tin sẽ được hiển thị trên màn hình máy vi tính: ngày đi, nơi đi, tên khách,…

Điều này tạo điều kiện dễ dàng và nhanh chóng cho khách hàng, dù ở đâu, chỉ cần gọi điện cho đại lý, là khách hàng có thể nhận được ‘Mã vé điện tử’ qua email hay điện thoại, việc duy nhất phải làm là cầm theo giấy tờ tuỳ thân ra sân bay để làm thủ tục hoặc tự làm thủ tục ở nhà để rút ngắn thời gian tại sân bay (vẫn phải gặp nhân viên nhưng là nhân viên khác, không cần chung hàng với người khác nên sẽ rất nhanh).

Tuy nhiên, lời khuyên cho những người đi du lịch chưa nhiều là nên in vé máy bay điện tử, nhất là khi bạn xuất ngoại. Có thể tại quầy check in sân bay, bạn đi qua dễ dàng, nhưng tại các cửa khẩu hải quan, công an, nhiều nhân viên sẽ hỏi vé của bạn để kiểm tra ngày về như một sự đảm bảo bạn đã mua vé khứ hồi và sẽ không ở lại nước họ (nhất là với các trường hợp có một chút rắc rối với thông tin cá nhân, trùng tên tuổi với những người đặc biệt…). Khi đó, nếu không có vé, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian giải thích, thậm chí rủi ro hơn, bạn sẽ không được nhập cảnh. .

  1. Sắp đồ và hành lý của bạn một cách cẩn thận

Khi bạn kiểm tra vé xong rồi, thì bạn nên chuẩn bị hành lý cho thật chính xác theo hành lý quy định ( Hiện các hãng hàng không áp dụng mức phí hành lý khi quý khách mua tại sân bay rất cao, ví dụ: Hãng Vietjet và Jetstar giá hành lý mua tại sân bay sẽ cao gấp 02 lần giá hành lý khi mua cùng vé, hãng Vietnam Airlines giá hành lý quá cước cũng cao).
Những đồ gì không được mang lên máy bay thì hãy để trong hành lý ký gửi.

  1. Nên ra sân bay sớm
  • Thời gian mở quầy:
    • Chuyến bay quốc tế: quầy làm thủ tục được mở 3h00’ trước thời gian dự định cất cánh.
    • Chuyến bay nội địa: quầy làm thủ tục được mở 2h00’ trước thời gian dự định cất cánh.
  • Thời gian đóng quầy (Kết thúc chấp nhận khách):
    • Chuyến bay quốc tế: quầy làm thủ tục được đóng 50 phút trước thời gian dự định cất cánh.
    • Các chuyến bay nội địa: quầy làm thủ tục được đóng 40 phút trước thời gian dự định cất cánh.

Lưu ý: Quầy làm thủ tục tại quốc tế Charles de Gaulle; London Gatwick; Frankfurt được đóng 1h00 trước thời gian dự định cất cánh

Nhiều bạn thắc mắc tại sao phải ra sớm vậy? trong khi làm thủ tục đóng trước 40 phút /50 phút thôi mà, cần gì đến sớm. Điều đó đúng trong các chuyến bay ít khách nhưng trong trường hợp chuyến bay đông khách, ai cũng xách hành lý ký gửi. Nhân viên làm thủ tục rất lâu cho từng hành khách. Khi bạn xếp hàng và đến lượt gặp được nhân viên check-in thì có thể bị từ chối: “đã hết giờ làm thủ tục, quý khách đã bị trễ chuyến”.

Tùy theo điều kiện giá vé của hành khách, việc hành khách không có mặt tại quầy làm thủ tục chuyến bay đúng thời gian quy định còn có thể dẫn đến một số hậu quả sau: Khiến cho vé không còn giá trị hoặc không thể bồi hoàn nếu có điều khoản hạn chế này trên vé. Hành khách sẽ phải đặt lại chỗ và mua lại vé mới nếu vẫn muốn tiếp tục bay. Hoặc hành khách phải trả thêm chi phí đổi vé và các phần chênh lệch giữa giá vé mới và vé cũ.

  1. Ở sân bay không xách hộ ai

Người ta nhờ bạn xách hộ cái gì, bạn nên khéo léo từ chối. Vì có thể túi đồ mà bạn xách hộ có hàng cấm thì bạn sẽ bị bắt, không giải thích nhiều, không khóc lóc nhiều, mời bạn vô nhà đá.

Đặc biệt là khi qua cửa an ninh soi hành lý, tuyệt đối không cầm hộ ai bất cứ vật gì, kể cả chai nước, hộp kẹo cao su. Vì chỉ cần một viên ma tuý đá giấu trong đó là bạn bị phạm pháp.

  1. Ở cửa kiểm tra an ninh

Đừng để hộ chiếu, giấy tờ hay vé máy bay của bạn ở đáy ba lô, dưới cả đống tạp chí hay quần áo. Cũng đừng quên những món đồ không được phép mang lên máy bay như nước hay mọi loại chất lỏng. Hãy cất ngay chai nước hoa hay lọ dầu gội yêu thích vào hành lý ký gửi trước khi phải ngậm ngùi giã từ chúng ở cửa kiểm tra an ninh.

Trước khi qua cửa kiểm tra an ninh, hãy cẩn thận bỏ hết những gì có chứa lượng kim loại lớn như thắt lưng, đồng hồ, trang sức, điện thoại… vào khay đựng đồ để đưa qua máy soi an ninh một cách khẩn trương. Một số cửa kiểm tra nghiêm ngặt còn yêu cầu bạn tháo giày, vì vậy kinh nghiệm là nên đi những đôi giày không có dây để tránh rắc rối trong việc cởi và buộc lại dây giày.

Khi kiểm tra an ninh, đừng gọi điện thoại, đeo kính râm, đội mũ che mặt hoặc làm bất cứ hành động nào trông có vẻ khả nghi.

Hãy chú ý một chút vào những hàng người nối đuôi nhau trước cổng kiểm tra an ninh. Hàng người ngắn chưa chắc đã nhanh hơn. Hãy chọn những hàng có nhiều hành khách đi công tác kết hợp du lịch thay vì đứng vào những hàng có nhiều gia đình và con nhỏ.

Sau khi làm thủ tục kiểm tra, rời khỏi cửa an ninh nhanh và mang những tư trang của mình ra một địa điểm xa hơn để chỉnh sửa thay vì đứng lại tại cổng kiểm tra an ninh, nhường chỗ cho những người kiểm tra sau bạn làm thủ tục.

  1. Trên máy bay cũng phải cẩn thận

Tại khu vực sân bay và trên máy bay, bạn tuyệt đối không trêu đùa và nhắc đến các từ BOM, MÌN, THUỐC NỔ, KHỦNG BỐ… Bạn chỉ cần mở miệng thốt ra một từ đó thôi, nhân viên an ninh, nhân viên hàng không hoặc tiếp viên hàng không nghe được thì mời bạn vô phòng kiểm tra và bạn sẽ gặp rắc rối to đấy.

Khi vào máy bay, không chen lấn xô đẩy, bạn tìm đúng số ghế của mình để ngồi. Số ghế không in ở trên lưng ghế đâu, mà in ở mặt dưới của khoang hành lý, tức là nó luôn ngang với tầm mắt của bạn, bạn chỉ việc nhìn sang hai bên là thấy.

Leave a reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *