Hit Enter to search or Esc key to close
Blog thumbnail

Máy bay hay Tàu bay ?

Máy bay hay Tàu bay ?

Blog thumbnail

“Máy bay”, “tàu bay” đều là danh từ chỉ một loại phương tiện vận tải hay chiến đấu bay được trên không nhờ động cơ. Tuy nhiên việc sử dụng nó đôi khi lại gây nhiều thú vị và khiến nảy sinh câu hỏi dùng từ nào là chuẩn?

Tiếng Việt có tới 28 từ có chứa thành tố “tàu” kết hợp với thành tố khác tạo nên từ mới (tàu + X) như: Tàu bay, tàu biển, tàu điện, tàu hỏa, tàu ngầm, tàu thủy, tàu vũ trụ… Trong số các từ này, duy nhất có từ “tàu bay” có thêm biến thể tương đương (đồng nghĩa) là “máy bay” và chính biến thể này lại thành vấn đề… tranh cãi.

Chẳng hạn, khi đưa tin về sự cố máy bay Boeing 737 MAX8 của Ethiopia mới đây, phát thanh viên lúc nói “máy bay”, lúc lại nói “tàu bay” nhưng ai cũng hiểu “máy bay” hay “tàu bay” ở đây là một.

Nhưng gần đây, rất nhiều người thắc mắc rằng từ trước đến nay họ vẫn quen nghe và nói từ “máy bay”, rồi khi lên sân bay Nội Bài lại thấy nhiều biển chỉ dẫn ghi là “tàu bay” (ví dụ: Phòng chờ ra tàu bay, cửa ra tàu bay, các quy định khi đi tàu bay…; thậm chí với Vietnam Airlines, ngay một vị trí, biển này ghi “tàu bay” biển ngay cạnh lại ghi “máy bay”…). Đến đây một câu hỏi được đặt ra vậy đâu là cách dùng từ chính xác?

Trước tiên phải nói rằng từ “tàu bay” đã được sử dụng từ lâu (Đi thì nức tiếng gần xa/Tàu bay, tàu thuỷ lại pha tàu ngầm – thơ Xuân Thuỷ; Tàu bay hắn bắn sớm trưa/Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò – thơ Tố Hữu…). và xét ở tính thống nhất của hệ thống (tàu + X) thì viết “tàu bay” là hợp lý.

Từ trước đến nay, tổ hợp “tàu + X” là tên gọi “chỉ các phương tiện vận tải hoạt động bằng máy móc nói chung”: Tàu điện (hay xe điện) là “xe chạy bằng điện trên đường ray”; tàu hoả (hay xe lửa) là “xe có đầu máy kéo nhiều toa chạy trên đường ray”; tàu thuỷ là “phương tiện giao thông vận tải có động cơ và chạy trên mặt nước”… Ngoài ra, ta còn có tàu chiến, tàu cuốc, tàu khu trục, tàu ngầm, tàu vũ trụ… do một cơ chế phái sinh tương tự.

Như vậy, nếu đặt vào hệ thống này, ta thấy từ “máy bay” trở nên lạc lõng, làm “cọc cạch” nhóm từ trên.

Tuy nhiên, ai cũng thừa nhận người Việt đã quen dùng từ “máy bay”. Ví dụ các cụm từ: Đi máy bay cho nhanh, xuống hầm để tránh máy bay, bắn rơi hàng chục máy bay, tai nạn máy bay, mua vé máy bay… là cụm từ quen thuộc.

Nếu để ý kỹ, ta còn thấy từ “máy bay” đã tách ra để hình thành nên một “hệ thống nhỏ” riêng biệt (máy bay + X): Máy bay bà già, máy bay cánh quạt, máy bay cường kích, máy bay không người lái, máy bay khu trục, máy bay trực thăng/lên thẳng, máy bay tiêm kích… mà biến thể này lại dùng phổ biến hơn “tàu bay” trong giao tiếp.

Đến đây có thể “chốt” lại là việc dùng “máy bay” hay “tàu bay” hoàn toàn do “trách nhiệm” của người nói, người viết. Đó là nếu dùng phải dùng nhất quán, kể cả trong trường hợp… có vẻ khiên cưỡng (tàu bay trực thăng/máy bay trực thăng; tàu bay bà già/máy bay bà già…).

Phạm Văn Tình – Báo Chính Phủ

Leave a reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *