Hit Enter to search or Esc key to close
Blog thumbnail

Một số trường hợp không nên đi máy bay

Một số trường hợp không nên đi máy bay

Blog thumbnail

Di chuyển bằng máy bay cần hạn chế đối với những người bị suy tim nặng, nhồi máu cơ tim, hen phế quản, thiếu máu nặng… Nguy cơ lớn nhất đối với người bệnh trong thời gian bay là thiếu oxy.

Những trường hợp không nên đi máy bay:

Mắc các bệnh tim mạch

  • Suy tim mất bù: người bị suy tim nặng không nên đi lại bằng máy bay. Cần đợi cho đến khi được điều trị tốt và ngồi ở khoang có điều hòa ổn áp, có phương tiện đảm bảo cung cấp oxy 100% trong suốt thời gian bay.
  • Bệnh van tim: nếu bay ở độ cao trên 2.400-2.800 m, người bệnh cần ngồi ở khoang có điều hòa ổn áp và cung cấp đủ oxy.
  • Nhồi máu cơ tim: bệnh nhân không nên đi máy bay trong 6 tuần đầu tiên sau khi bị nhồi máu cơ tim.
  • Đau thắt ngực (do thiếu máu cơ tim): người bị đau thắt ngực hoặc đau thắt ngực không ổn định cần sử dụng phương tiện vận chuyển khác. Người bị đau thắt ngực nhẹ hoặc vừa có thể đi máy bay, song nên ở trong các khoang có điều hòa ổn áp và có oxy.
  • Bị tắc mạch máu dưới 4 tuần, có tiền sử dễ bị tắc mạch, bị tai biến mạch máu não dưới 2 tuần, tăng huyết áp nặng.

Các bệnh của đường hô hấp

  • Bệnh của hầu họng: người bị viêm xoang dị ứng hoặc viêm xoang nhiễm khuẩn có nguy cơ bị viêm tai do áp suất khí cao (viêm tai do khí áp – Aerotitis) khi bay cao. Để phòng ngừa, bệnh nhân cần được điều trị chống viêm nhiễm và giảm phù nề thật tốt trước đó. Ngoài ra, nhai kẹo cao su khi đang bay cũng có tác dụng tốt.
  • Hen phế quản: trừ những bệnh nhân hen nhẹ, còn những người bị nặng hoặc ác tính không được phép đi máy bay.
  • Lao phổi: nghiêm cấm tất cả bệnh nhân lao phổi đang tiến triển, có nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh hoặc có biến chứng tràn khí màng phổi… di chuyển bằng máy bay.
  • Có các nang (hay kén khí) bẩm sinh trong phổi, đang bị khó thở tím tái hoặc viêm phổi. Đi máy bay có thể làm tăng nguy cơ vỡ nang.

Các bệnh về máu

  • Thiếu máu nặng: hồng cầu dưới 3 triệu/ml hoặc huyết sắc tố dưới 80g/l.
  • Bệnh hay chảy máu, ung thư máu.

Các bệnh nhân sau phẫu thuật:

  • Sau phẫu thuật vùng bụng dưới 10 ngày hoặc phẫu thuật lồng ngực dưới 20 ngày. Chỉ khi vết mổ đã liền hoàn toàn và không còn bất cứ một ống dẫn lưu nào mới được phép đi máy bay.
  • Bị chấn thương vùng mắt hoặc vừa phẫu thuật mắt. Nếu đi, cần ngồi ở khoang có điều hòa ổn áp và oxy hỗ trợ để tránh làm võng mạc bị tổn thương do thiếu oxy hoặc do tăng áp lực trong hốc mắt.
  • Vừa phẫu thuật tai giữa.
  • Bị thoát vị bẹn lớn: nếu không có băng đai bụng thì không nên đi trên các chuyến bay không có điều hòa ổn áp vì nguy cơ bị thoát vị nghẹt gây hoại tử ruột rất cao.

Các bệnh thần kinh – tâm thần

  • Động kinh: bệnh nhân đã được điều trị cắt cơn có thể đi trên những chuyến bay ở độ cao không quá 6.800 m.
  • Tâm thần hoặc loạn thần và kích động.
  • Vừa bị chấn thương sọ não, mới phẫu thuật sọ não hoặc có u não.

Phụ nữ có thai

  • Được phép đi máy bay như bình thường trong vòng 8 tháng đầu, trừ những người có tiền sử bị sinh non hoặc sẩy thai. Đến tháng thứ 9, thai phụ không nên đi máy bay. Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi không nên đi.

Nhìn chung, những chuyến bay kéo dài làm tăng nguy cơ bị thuyên tắc các tĩnh mạch sâu. Một số biện pháp phòng ngừa chủ động đơn giản như bỏ thuốc lá, rượu, vận động 2 chân tại chỗ hoặc đi bộ ngắn trong khoang hành khách. Một số người cần uống thuốc chống đông máu.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Bảy, Sức Khỏe & Đời Sống

Leave a reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *