“Sau 10 năm trên khoang lái, tôi thấy việc mình là phi công nữ không có gì khác nam giới.” Cùng nghe những chia sẻ rất thú vị của nữ cơ trưởng Việt Nam đầu tiên Nguyễn Ly Hương nhé.
“Từng có rất nhiều người hỏi tôi cảm giác khi cầm lái lần đầu tiên thế nào. Chúng tôi, nam cũng như nữ, khi lần đầu thực hành bài bay, dù có thầy ngồi bên cạnh cũng đều có chút bỡ ngỡ. Nhưng chỉ bỡ ngỡ phút đầu thôi, rồi sau đó đều phải tập trung vào bài bay, đâu còn để ý đến gì xung quanh nữa.
Tôi có thể khẳng định là trong công việc, hoàn toàn không có sự phân biệt nào giữa phi công nam và nữ. Bởi vì hàng không là một ngành đặc thù, liên quan đến sự an toàn của hành khách, nên tất cả phi công đều phải đạt một trình độ, tiêu chuẩn như nhau. Tất cả đều phải có tính trách nhiệm cao và luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mình. Ai cũng phải đều đặn vượt qua các bài kiểm tra SIM, kiểm tra sức khỏe, kiểm tra các môn phối hợp hằng năm, nếu không đạt là phải làm lại đến đạt mới được bay.
Trên máy bay cũng vậy, dù ở vị trí cơ trưởng hay lái phụ, thì phi công cả nam lẫn nữ đều luôn phải thực hiện tất cả các thao tác với độ chuẩn xác như nhau.
Do đó, phi công nữ chúng tôi cũng được sắp xếp lịch bay như tất cả các đồng nghiệp khác, cứ đến lịch được phân công là lên đường. Chỉ có một chút khác biệt là phụ nữ sẽ gặp khó khăn hơn các đồng nghiệp nam trong việc chăm sóc con cái. Như có hôm phải đi từ 4 giờ sáng, có hôm bay muộn đến 2 giờ sáng mới về đến nhà, hoặc có khi phải ngủ lại sân bay đầu kia để chờ chuyến sau bay về. Nhưng thường hôm nào bay sớm thì chiều lại được nghỉ, hoặc ngược lại, nên nói chung vẫn có thời gian để dành cho gia đình, nếu biết thu xếp tốt.
Là phi công nữ đi bay cũng có nhiều kỷ niệm thú vị, nhất là những chuyến bay ngày Tết, tổ bay thường gặp gỡ, chúc Tết hành khách, rồi còn lì xì cho nhau, ai cũng vui vẻ, chúc nhau có một năm suôn sẻ. Tôi chưa có dịp nào được chở bố mẹ bay trên máy bay mình lái, vì thường lúc tôi bay, bố mẹ hay ở nhà trông con. Tuy nhiên, tôi cũng nhiều lần được chở các bạn cùng lớp đại học rồi. Các bạn nghe trên loa thông báo chuyến bay hôm nay do cơ trưởng Nguyễn Ly Hương điều khiển, thường nhắn tin, post facebook cho tôi, cũng rất thú vị.
Môi trường làm việc trong Đoàn Bay cũng rất đặc biệt, mỗi chuyến bay chúng tôi lại có một “partner” khác nhau, ít lặp lại. Công việc của mỗi thành viên trên buồng lái tuy độc lập nhưng lại luôn có sự gắn kết, phối hợp nhịp nhàng với nhau, nên từ những partner của mình, chúng tôi học hỏi được vô vàn kinh nghiệm quý báu. Chúng tôi luôn đề ra các quy tắc làm việc là Độc lập – Tự chủ – Trách nhiệm.
Mọi người cũng hay tò mò xem nữ phi công thì có “nữ tính” như các ngành nghề khác không. Tôi cũng thích ăn ngon, mặc đẹp như mọi người thôi. Là phụ nữ mà, tôi cũng thích mua sắm váy áo, thời trang như các bạn nữ khác.
Tôi tự hào khẳng định rằng, bạn bè, đồng nghiệp trong công ty đều rất tốt, thoải mái và đáng tin cậy. Tôi rất thích môi trường làm việc và các bạn đồng nghiệp như vậy.
Tôi tâm niệm, là phi công thì dù là nam hay nữ, đều luôn phải duy trì năng lực làm việc và tính chuyên nghiệp của mình. Còn ước mơ của tôi thì rất giản dị: Tôi chỉ mong cất cánh 1.000 chuyến bay đều an toàn!”
Từ tháng 11/2009, Ly Hương là cơ phó máy bay ATR-72. Đến tháng 9/2014, Hương chuyển ghế nâng cấp thành nữ cơ trưởng Việt Nam đầu tiên, điều khiển máy bay ATR-72. Từ tháng 8/2018 đến nay, Ly Hương học chuyển loại lên cơ trưởng A321.
Qua 60 năm thành lập và phát triển (1/5/1959 – 1/5/2019), Đoàn Bay 919 của Vietnam Airlines đã đón chào rất nhiều nữ phi công người Việt vừa tài vừa sắc – là cái nôi để trưởng thành và chắp cánh vững chắc trong sự nghiệp chinh phục bầu trời.