Hit Enter to search or Esc key to close
Blog thumbnail

Sân bay Vân Đồn: Sứ mệnh lớn lao không đến từ con số doanh thu

Sân bay Vân Đồn: Sứ mệnh lớn lao không đến từ con số doanh thu

Blog thumbnail

Là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam gánh trách nhiệm đón các chuyến bay “giải cứu” người Việt từ các vùng dịch về nước an toàn, sân bay Vân Đồn là minh chứng cho việc doanh nghiệp tư nhân luôn dấn thân, sẵn sàng chung tay gánh vác cùng đất nước trong các tình huống khó khăn.

Gánh vác trọng trách xã hội trong đại dịch

Hơn 10h trưa ngày 23/3, chị N.T.Ngọc (quê Hải Phòng) cùng chồng đứng bên ngoài sảnh chính Sân bay quốc tế Vân Đồn dõi mắt hướng vào bên trong. Con gái chị cùng 300 người Việt khác trên chuyến VN54 từ London (Anh) đã hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn đang làm thủ tục nhập cảnh.

Trước đó, chuyến bay VN36 từ Frankfurt (Đức) đã hạ cánh, chở theo 208 hành khách. Tất cả hành khách trên 2 chuyến bay từ châu Âu này được tiếp đón bởi một quy trình đặc biệt, áp dụng với hành khách về từ vùng dịch.

Theo đó, máy bay khi hạ cánh sẽ đậu ở bãi đỗ xa, sau đó xe bus lần lượt chở các hành khách vào khu vực làm thủ tục bên ngoài nhà ga để kiểm tra thân nhiệt, làm tờ khai y tế điện tử, xuất nhập cảnh, hải quan, lấy hành lý để lên các xe quân sự, sau đó chở thẳng đến các khu vực cách ly 14 ngày theo quy định.

Dù biết không được gặp con ngay nhưng vợ chồng chị vẫn xuống sân bay để mong nhìn thấy con mạnh khỏe, an toàn trở về. Quan sát quy trình đón tiếp đặc biệt tại sân bay Vân Đồn, chị Ngọc cảm thấy hoàn toàn yên tâm vì con mình sẽ được hỗ trợ tận tình và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo.

“Vợ chồng tôi rất yên tâm vì quy trình đón ở sân bay Vân Đồn diễn ra nhanh gọn, không tụ tập đông người, hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc”, chị Ngọc chia sẻ.

Suốt từ đầu tháng 2 đến nay, sân bay Vân Đồn đã đón 29 chuyến bay giải cứu hành khách từ nhiều vùng dịch khác nhau trên thế giới, giúp hơn 4.400 hành khách về nước an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Tại sao một sân bay chỉ vừa mới “thôi nôi” lại có thể thực hiện tốt trọng trách đón các chuyến bay từ vùng dịch về theo chu trình an toàn, khoa học? Bí quyết được ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc sân bay Vân Đồn tiết lộ, đó là ba mũi nhọn: “Con người, phương tiện và quy trình”.

Ngoài việc xây dựng “thần tốc” quy trình đón khách ngoài trời, sân bay Vân Đồn cũng là sân bay đầu tiên ngay lập tức triển khai phân luồng, kẻ vạch đảm bảo khoảng cách an toàn 2m khi khách xếp hàng, theo chủ trương “cách ly xã hội” mà Chính phủ chỉ đạo.

Từng kinh qua nhiều đợt ứng phó với các dịch bệnh như MERS-CoV, cúm A (H1N1), Ebola…, ông Phạm Ngọc Sáu khẳng định: “Quy trình mà Tập đoàn Sun Group đang áp dụng tại sân bay Vân Đồn là hoàn toàn tối ưu để tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên và hành khách”.

Điều này đồng nghĩa với việc, sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam đang lặng lẽ, âm thầm góp sức chung tay cùng cộng đồng ngăn ngừa đại dịch lây lan bằng sự chuyên nghiệp và tận tâm.

Dấu ấn đậm nét của sân bay tư nhân

Giải cứu những chuyến bay từ vùng dịch chỉ là một trong số những dấu ấn của sân bay Vân Đồn trong hơn 1 năm hoạt động vừa qua. Ngay từ khi bắt đầu vận hành, sân bay đã đề cao trải nghiệm của du khách bằng việc chú trọng chất lượng dịch vụ. Tập đoàn Sun Group đã đầu tư kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật tại sân bay, đồng thời xây dựng một quy trình vận hành chuẩn chỉnh, chú trọng yếu tố con người.

Đúng như ông Phạm Ngọc Sáu từng chia sẻ: “Quan điểm của người Sun Group chúng tôi là đào tạo cho nhân viên về tinh thần trước khi đào tạo chuyên môn. Chuyên môn là rất cần thiết nhưng tinh thần, trách nhiệm và văn hóa là điều rất quan trọng để tạo nên một tập thể mạnh”.

Nhờ vậy mà ngay trong năm đầu tiên hoạt động, sân bay đã liên tục gặt hái nhiều giải thưởng uy tín quốc tế như Sân bay mới hàng đầu châu Á, Sân bay mới hàng đầu thế giới… Và trong đợt giải cứu người Việt về nước vừa qua, sân bay Vân Đồn tiếp tục “ghi điểm” trong lòng du khách bởi đội ngũ nhân sự tận tâm, chu đáo, chuyên nghiệp.

Sân bay Vân Đồn hiện đã có các đường bay nội địa đi Đà Nẵng và TP. HCM, đạt kỷ lục về thời gian mở đường bay quốc tế đầu tiên chỉ sau gần 5 tháng vận hành (thông thường, các sân bay mới phải mất từ 3-5 năm).

Hiện, sân bay đã có các đường bay quốc tế Vân Đồn – Thẩm Quyến (Trung Quốc), Vân Đồn – Incheon (Hàn Quốc) được khai thác bởi các hãng hàng không: Vietjet, Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Donghai Airlines. Tính đến cuối tháng 3/2020, sân bay đã đón tổng cộng 2.450 lượt cất hạ cánh (trong đó 2.246 lượt nội địa và 204 lượt quốc tế). Tổng lượng khách là 302.680 người.

Những con số trên chưa thể so sánh với các sân bay lớn đã có kinh nghiệm vận hành lâu năm tuy nhiên đó là thành quả của một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ bởi xác định đặt trọng trách, “sứ mệnh” phục vụ lợi ích của xã hội, của cộng đồng lên trên lợi ích thuần túy về kinh tế.

Nói như ông Phạm Ngọc Sáu: “Mục đích của chúng tôi không chỉ là lợi nhuận, mà còn nhằm phát triển vùng đất mới chưa khai phá hết tiềm năng. Như tại Quảng Ninh, với sự đồng hành của tỉnh, doanh nghiệp có cơ hội để phát triển vùng đất mới”.

Kể từ khi có sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh đã có bước phát triển đột phá. Đây cũng là “át chủ bài” giúp Quảng Ninh từ chỗ phụ thuộc vào khai thác tài nguyên và kinh tế cửa khẩu để phát triển kinh tế chuyển mạnh sang nền kinh tế xanh, lấy du lịch – dịch vụ làm trọng tâm phát triển.

Sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của Sân bay quốc tế Vân Đồn càng trở nên đậm nét hơn qua chiến dịch giải cứu người Việt vừa qua. Nó cho thấy một điều rằng, khi tư nhân chung tay cùng nhà nước trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng, đó không chỉ là việc thu lợi kinh tế, mà còn chia sẻ, chung tay gánh vác cùng đất nước trong các tình huống khó khăn, nguy cấp. Không ai được phép đứng ngoài cuộc.

Thu Hà
https://vietnamfinance.vn/

Leave a reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *